Vụ vỡ đường ống nước sạch sông Đà: Còn để “lọt lưới” người có trách nhiệm?

Cập nhật: 5/9/2017 | 3:59:01 PM

(PLO) - Như Báo PLVN đã thông tin, liên quan đến vụ vỡ đường ống dẫn nước sông Đà - Hà Nội, VKSNDTC đã ra Cáo trạng số 05/CT/VKSTC-V3 truy tố 09 các bị can có hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự. Thế nhưng, cáo trạng cũng cho thấy đã có những người có trách nhiệm “lọt lưới” ngoạn mục.

Ông Nguyễn Biên Hùng đòi hỏi pháp luật phải công bằng.

09 bị can thuộc nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp khác nhau đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an (C46) khởi tố, điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự. Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội của TCty Vinaconex có ông Hoàng Thế Trung - nguyên Giám đốc BQL, ông Nguyễn Văn Khải - nguyên Phó Giám đốc BQL, ông Trương Trần Hiển - nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị BQL.

Cty CP Ống cốt sợi thủy tinh (Viglafico) là doanh nghiệp được TCty Vinaconex ra chủ trương, góp vốn thành lập chuyên cung cấp sản phẩm ống cốt sợi thủy tinh dẫn nước cho dự án có ông Trần Cao Bằng - nguyên Giám đốc, ông Vũ Thanh Hải - nguyên Trưởng phòng Sản xuất, Quản đốc phân xưởng, Phó Giám đốc Cty.

Nhóm tư vấn giám sát thi công lắp đặt tuyến ống dẫn nước Sông Đà của Cty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) trực thuộc Bộ Xây dựng có các ông Đỗ Đình Trì - Trưởng đoàn, các kỹ sư giám sát hiện trường gồm có ông Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân.

5 cựu ủy viên HĐQT TCty Vinaconex được “xem xét và xử lý sau”

Kết luận điều tra vụ án và cáo trạng cho thấy, còn có 05 vị cựu Ủy viên HĐQT TCty Vinaconex, bao gồm các ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng Giám đốc, các ông Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm - nguyên Ủy viên HĐQT, cũng bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, tuy nhiên không thấy có tên trong danh sách các bị can bị đưa ra truy tố chuẩn bị xét xử trong vụ án này.

Khi thực hiện vai trò, nhiệm vụ của chủ đầu tư dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội, các thành viên HĐQT này đã có nhiều hành vi vi phạm như tự ý quyết định thay đổi vật liệu tuyến ống từ gang dẻo (theo phê duyệt trước đó của Thủ tướng Chính phủ) sang vật liệu composite cốt sợi thủy tinh - một loại vật liệu mới chưa được thẩm định hiệu quả sử dụng tại Việt Nam, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm để sản xuất, cung cấp đường ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo chất lượng lắp đặt cho dự án…

Nhiều luật sư, luật gia, chuyên gia pháp lý quan tâm đến vụ án đều có chung nhận xét 05 vị cựu ủy viên HĐQT của TCty Vinaconex với những sai phạm nghiêm trọng như vượt quyền Thủ tướng Chính phủ tự ý thay đổi vật liệu tuyến ống từ gang dẻo sang vật liệu composite cốt sợi thủy tinh, lựa chọn nhà thầu Viglafico thiếu năng lực và kinh nghiệm, lại mua dây truyền công nghệ của Trung Quốc về Việt Nam để sản xuất, cung cấp đường ống dẫn nước cho dự án thì họ là những người có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại TCty Vinaconex, rất cần phải đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Tách ra xử lý riêng vì những lý do... thiếu thuyết phục

Lý giải về việc chưa khởi tố, truy tố 5 nhân vật có vai trò quan trọng trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an lấy lý do ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng Giám đốc Vinaconex đang bị bệnh nặng, sức khỏe rất yếu nên chưa có điều kiện điều tra, còn 04 vị cựu thành viên HĐQT còn lại do thời hạn điều tra đã hết nên Cơ quan điều tra sẽ “điều tra làm rõ và đề nghị xử lý sau”, cũng như tách hành vi đã có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các thành viên HĐQT TCty Vinaconex để giải quyết sau.

“Đây là ứng xử không công bằng đối với 09 bị can đã bị khởi tố. Việc làm này đã và đang làm mất đi tính khách quan, toàn diện trong quá trình xử lý tội phạm giải quyết vụ án hình sự theo nguyên tắc chung của Bộ luật Tố tụng Hình sự” – Luật sư Lê Ngọc Hà (VP Luật sư Đa Phúc) nhận định.

Đồng tình với quan điểm của Luật sư Hà, Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Cty TNHH Luật Bảo An nhấn mạnh thêm: Việc Cơ quan điều tra, VKS xử lý không triệt để hay xử lý chậm hoặc không xử lý đối với hành vi đã có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các cựu thành viên HĐQT TCty Vinaconex có thể gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, gây ra hoài nghi và thắc mắc về tính công minh, công bằng trong quá trình giải quyết vụ án. Phải chăng, trong vụ án này vẫn còn “vùng cấm” mà các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thể chạm tay tới, Luật sư Vinh đặt câu hỏi.

Trình bày với Báo PLVN, kỹ sư Nguyễn Biên Hùng, năm nay đã 67 tuổi, cũng thắc mắc khi Cáo trạng của VKSNDTC không hề xem xét xử lý và truy tố đối với 05 cựu thành viên HĐQT TCty Vinaconex. “Cáo trạng lấy lý do hiện tại các ông Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm đều đã nghỉ hưu, do vậy Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ “xem xét và xử lý sau” là hoàn toàn phi lý, không thỏa đáng, bất công bằng” – ông Nguyễn Biên Hùng nói – “Tôi và ông Hoàng Quốc Thống đều đã nghỉ hưu trước cả 05 vị quan chức nọ tại sao chúng tôi vẫn bị lôi ra điều tra, xét hỏi, truy tố. Phải chăng họ là người có quyền thế, có địa vị của TCty Vinaconex nên cứ nghỉ hưu là được “hạ cánh an toàn” còn người lao động, kỹ sư bao năm lặn lội nơi công trường thi công như chúng tôi thì không bao giờ được hưởng đặc quyền ấy. Chúng tôi rất cần sự công bằng của pháp luật, cần sự công tâm khách quan của các cơ quan tố tụng trong vụ án này, không thể tồn tại tình trạng “quýt làm cam chịu” như vậy được!” 

Bách Nguyễn 

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất