Ngăn chặn bạo lực học đường - Kết hợp hài hòa giữa giáo dục, răn đe và xử lý

Cập nhật: 5/9/2017 | 2:28:19 PM

Ngăn chặn bạo lực học đường - Kết hợp hài hòa giữa giáo dục, răn đe và xử lý

Ảnh: HẢI ANH

Bạo lực học đường (BLHĐ) càng gây bức xúc trong dư luận xã hội bởi tính chất manh động, bạo lực và hiệu ứng từ các clip được quay và phát tán trên mạng. Làm thế nào để đẩy lùi, ngăn chặn hiệu quả? Câu hỏi này không chỉ của riêng ngành giáo dục mà cần sự chung tay của gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, bồi đắp văn hóa ứng xử, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, thu hút học sinh vào các hoạt động bổ ích, tích cực góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh. Nhân Dân hằng tháng ghi lại những ý kiến trao đổi của nhà quản lý, nhà tâm lý, luật sư, giáo viên chung quanh vấn đề này.

Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội):

BLHĐ hiện là vấn đề nóng, có thể xảy ra ở bất cứ trường nào, do đó không thể chủ quan và cần chủ động phòng ngừa. Nhà trường phải luôn quan tâm kèm cặp sát sao học sinh nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra BLHĐ bằng nhiều biện pháp, hình thức. Ở trường tôi, không chỉ Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, ngay cả mỗi nhân viên, bảo vệ cũng vào cuộc hằng ngày, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường, nhắc nhở, uốn nắn. Khi các em tin tưởng tâm sự, sẻ chia, nhà trường nắm bắt được mầm mống, căn nguyên phát sinh mâu thuẫn, xích mích của học trò, ngăn chặn, giải quyết triệt để tránh “cái sảy nảy cái ung”. Học sinh (HS) hiếu động, ưa hoạt động, do đó Đoàn, Đội cần phát huy tốt hơn nữa vai trò, hướng các em tới những hoạt động tập thể, ngoại khóa bổ ích, góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, phát triển không lệch lạc, tránh được cái xấu.

Muốn các em tự bảo vệ mình phải nâng cao nhận thức. Tổ chức các buổi tuyên truyền, dạy kỹ năng sống (KNS) rất cần thiết, nhưng với các trường công lập còn hạn chế, khó khăn bởi các điều kiện về kinh phí, vật chất, thời gian, vẫn phải tìm cách khắc phục có thể. Thực tiễn cho thấy, các buổi mời luật sư tuyên truyền, trực tiếp giải đáp thắc mắc về pháp luật, phòng chống BLHĐ, các chuyên gia tâm lý tư vấn, xây dựng những tình huống cụ thể, sát thực bằng hình thức sân khấu hóa giúp các em thẩm thấu và biến thành hành động cụ thể. Trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh từng là nạn nhân BLHĐ càng cấp thiết. Cần dạy cho các em kỹ năng giải quyết mâu thuẫn khi xảy ra xích mích, va chạm, tránh dẫn đến hành vi bạo lực hoặc biết ứng phó bảo vệ bản thân khi bị đe dọa, sắp bị hành hung như tri hô, nhờ người lớn, thầy cô, bạn bè ở gần can thiệp, giúp đỡ.

Xử lý HS có hành vi BLHĐ phải tính toán vừa bảo đảm răn đe nhưng vẫn có tính giáo dục. Cách các trường thường áp dụng là căn cứ tường trình của HS vi phạm, đối chiếu với thông tin phản hồi của những người chứng kiến vụ BLHĐ để thẩm tra độ trung thực, yêu cầu HS làm bản kiểm điểm, nhận lỗi và xem xét mức độ, hậu quả hành vi vi phạm và thái độ thành khẩn để đưa ra hình thức kỷ luật. Thi hành kỷ luật để bảo đảm kỷ cương, nhưng quan trọng hơn là phân tích rõ cho các em nhận ra sai lầm có cơ hội sửa chữa. Chỉ nên đình chỉ học trong một thời gian ngắn để HS có khoảng lặng nhìn nhận, hối lỗi và quyết tâm sửa sai, không nên đuổi học quá lâu bởi sau một năm quay lại trường, kiến thức rơi rụng, các em theo học rất khó khăn và có thể xảy ra nhiều hệ lụy, thậm chí chán nản, bỏ học giữa chừng và hư hỏng. Phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường không chỉ trong thời gian HS bị đình chỉ học (nếu có) mà cả giai đoạn sau này để ngăn chặn tái phạm.

PGS, TS Nguyễn Thị Hoa, Viện Tâm lý:

Theo quy luật tâm lý thông thường, những hành vi tiêu cực trên mạng thu hút đông người chú ý, nhất là độ tuổi HS vốn tò mò và hiếu kỳ. Có em quan niệm đơn giản hành vi phát tán video clip về BLHĐ không xấu, chỉ để thể hiện mình, được nổi tiếng trong thế giới ảo. Người lớn xem thường nhìn nhận vấn đề đúng mực, nhưng trẻ em tiếp cận mà không có người lớn bên cạnh phân tích, giảng giải đúng, sai để phòng tránh, trong khi nhận thức chưa tốt, chưa biết chọn lọc thông tin thì “lợi bất cập hại”, dễ nhìn nhận lệch lạc, chẳng những không biết sợ, rút kinh nghiệm cho bản thân mà còn bắt chước làm theo. Chưa kể, hình ảnh các bạn ở phía ngoài không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ thì vô tình căn bệnh vô cảm sẽ lan truyền, gây tác động xấu. Việc giải quyết hậu quả các vụ BLHĐ gặp nhiều khó khăn bởi thông tin được tung lên mạng, quá nhiều người biết các em sẽ phải chịu sức ép lớn, dễ rơi vào trạng thái xấu hổ, khủng hoảng, trầm cảm.

Quá lạm dụng phương tiện điện tử mà ít giao tiếp, ít hoạt động xã hội, áp lực học hành quá căng thẳng, khi cảm xúc bị dồn nén nặng nề muốn giải phóng năng lượng, dễ nảy sinh bạo lực ở lứa tuổi HS. Theo thuyết Học tập xã hội, cái gì lặp đi lặp lại nhiều thì dễ nhiễm: xem phim ảnh bạo lực, chơi game bạo lực quá nhiều, thường xuyên chứng kiến cha mẹ đánh, cãi nhau... HS vốn sốc nổi, tâm lý chưa ổn định, về mặt thần kinh chức năng hưng phấn lớn hơn chức năng kiềm chế nên dễ bị kích động quá khích, bộc phát làm theo cái tiêu cực, cái bản năng, không theo chuẩn mực, đạo đức. Dành nhiều thời gian cho các em sinh hoạt tập thể rất hữu ích bởi đây là dịp xả stress, xây dựng ý thức cộng đồng, cùng chia sẻ, yêu thương, thân thiện, hiểu nhau hơn, khi chẳng may có xung đột, va chạm cũng dễ thông cảm, tha thứ, bỏ qua.

Giáo dục hình thành những thói quen đạo đức và KNS càng sớm càng tốt, khi đó HS sẽ có thái độ học tập tích cực, tiếp thu kiến thức văn hóa tốt hơn. Phải chỉ dạy cụ thể những gì cần làm, nên tránh, buộc phải tránh và cách tự bảo vệ mình, nhất là với những em thường có khiếm khuyết về cơ thể hoặc có khác biệt về giới tính hay bị bắt nạt. Nếu hành vi bạo lực ở một HS lặp đi lặp lại và kéo dài thì trở thành rối nhiễu hành vi, rất cần được trợ giúp tâm lý, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và xây dựng các mối quan hệ tích cực.

Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh giáo dục KNS, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ BLHĐ bởi nếu không được củng cố, nhắc lại thường xuyên, các em rất dễ quên. Kiến thức và kỹ năng phải đủ thấm để ngay cả khi gặp những tình huống phát sinh chưa từng trải qua các em vẫn có thể vận dụng thuần thục, điều tiết hành vi, ứng xử hợp lý. Khi đóng vai trong các tiểu phẩm, trực tiếp được trải nghiệm, HS sẽ cảm nhận được tác hại, hậu quả của BLHĐ từ đó tự giác phòng ngừa. BLHĐ còn có căn nguyên từ gia đình, do đó cha mẹ cũng cần được trang bị kỹ năng giáo dục cho con cái lòng tự trọng để biết cách kiềm chế và lường trước những hậu quả có thể xảy ra khi ứng xử không đúng mực, tránh tổn hại đến danh dự bản thân và gia đình đồng thời tôn trọng con, không nên áp đặt, tránh trừng phạt bằng chửi bới, đánh đập tạo ấn tượng xấu hằn sâu trong tâm trí, khi có cơ hội các em dễ bộc phát hành vi bạo lực.

Luật sư Lê Ngọc Hà, Văn phòng Luật sư Đa Phúc:

Dù không trực tiếp có hành vi BLHĐ nhưng quay video clip phát tán trên mạng kể cả mục đích chia sẻ cho bạn bè biết hay bêu xấu người khác đều đáng trách và có căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu người phát tán thông tin sai lệch hoặc nhằm bôi nhọ, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm áp dụng các quy định xử lý vi phạm hành chính, thậm chí nặng hơn mà có đủ căn cứ có thể khởi tố hình sự.

Hiện nay, các nhà trường vẫn lấy Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về khen thưởng và kỷ luật HS các trường phổ thông ban hành cách đây 28 năm làm căn cứ xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm bằng các hình thức: khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần, đuổi học một năm. Đuổi học một năm là nặng nhất, chỉ áp dụng với trường hợp mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song có ý thức và chủ động, gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người hoặc đã bị đuổi học một tuần mà không chịu sửa chữa, vẫn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm sai phạm khác. Với những trường hợp gây thương tích nhẹ, hậu quả chưa nghiêm trọng có thể xử lý hành chính, nếu dùng vũ khí gây thương tích dẫn đến án mạng mà trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thậm chí bị áp dụng hình phạt nặng hơn như tù có thời hạn. Nhiều nội dung của Thông tư 08 đã quá lạc hậu và không còn phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện nay, nếu áp dụng cứng nhắc sẽ bất cập, do đó cần sớm sửa đổi.

Những năm gần đây, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy trong trường học nhiều nhưng về bảo vệ trẻ em, chống lại BLHĐ còn chưa được chú trọng, thậm chí có trường còn bỏ ngỏ nên HS chỉ biết sơ qua, chung chung, do vậy hoạt động này cần tăng cường hơn để các em nắm bắt toàn diện, thấu đáo với sự trợ giúp của các chuyên gia. Giáo viên cũng cần bồi dưỡng một cách bài bản kiến thức và phương pháp giáo dục về BLHĐ bởi họ chính là hạt nhân hằng ngày giáo dục, tuyên truyền cho HS.

TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH:

Thông tin các vụ BLHĐ lan truyền nhanh, nhất là qua mạng xã hội, đáng lo ngại trong đó có không ít thông tin phản cảm, giật gân câu like và thu hút nhiều comment tiêu cực. Nhiều khi mục đích phát tán là lên án hành vi BLHĐ và cảnh báo răn đe, nhưng lại có tác dụng ngược. Cần giáo dục HS nhận thức rõ không nên phát tán các vụ BLHĐ trên mạng đồng thời có biện pháp kỹ thuật can thiệp nhằm khống chế, không để những thông tin có hại lan rộng, gây hậu quả tiêu cực.

Hoạt động ngoại khóa hết sức cần thiết, góp phần rèn luyện đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh cho HS nhưng do điều kiện cả khách quan và chủ quan nên ở nhiều trường chỉ tổ chức chủ yếu dịp đầu năm học, các dịp lễ kỷ niệm. Một bất cập cho thấy là không ít thầy cô quá quan tâm dạy chữ mà chưa chú trọng đúng mức dạy làm người, HS quá tập trung vào học tập nên không còn nhiều thời gian vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động. Bài toán nan giải của ngành giáo dục là làm sao dung hòa tối ưu giữa giảm tải kiến thức văn hóa và tăng cường hoạt động ngoại khóa trong khi bị giới hạn bởi khung chương trình, thời lượng lên lớp. Vì vậy, phải xây dựng khung chương trình phù hợp, đổi mới phương pháp giảng dạy, lồng ghép kiến thức về phòng chống BLHĐ ở môn giáo dục công dân, ngữ văn, tạo hứng thú để HS thấy cần học, muốn học, nhớ lâu và vận dụng thuần thục. Đoàn và Đội cũng đang đứng trước sức ép cạnh tranh của thông tin mạng bùng nổ buộc phải đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức linh hoạt nhiều hoạt động ngoại khóa với nội dung sinh động, hấp dẫn như thi tìm hiểu, sân khấu hóa, tổ chức trò chơi... truyền tải thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ mới thu hút đông đảo các em tham gia đồng thời phát huy tính tích cực của các trang mạng, facebook để truyền thông trong bối cảnh HS tiếp cận công nghệ thông tin nhanh nhạy, sử dụng mạng xã hội nhiều. Xử lý kỷ luật HS gây BLHĐ cũng chỉ là “chữa cháy”, khi nhận thức của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thay đổi tích cực thì các hoạt động phòng ngừa từ xa tất yếu được triển khai nhiều hơn, chất lượng và hiệu quả hơn.

Ảnh: H.A

Trước nạn BLHĐ nguy cơ bùng phát, cùng với tăng cường nâng cao nhận thức, trang bị các kỹ năng cho HS, muốn phòng ngừa hiệu quả phải gắn kết chặt chẽ hơn giữa ba nhân tố gia đình - nhà trường - xã hội và giải quyết vấn đề cốt lõi là xây dựng môi trường văn hóa học đường nói riêng và nâng tầm mặt bằng văn hóa xã hội nói chung bằng những giải pháp chiến lược. Trong mỗi trường, văn hóa ứng xử phải luôn được đề cao và HS được phát triển toàn diện, hài hòa giữa tâm lực, trí lực và thể lực “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để khẳng định mình”. Nếu môi trường học đường thiếu văn hóa thì không thể truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn, ảnh hưởng đến giáo dục tư tưởng đạo đức và lối sống cho HS. Báo chí cần đăng tải thông tin hợp lý, định hướng giáo dục cho HS phòng chống BLHĐ và cần xây dựng hành lang pháp lý nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của game, phim ảnh... là mầm mống gây ra nạn BLHĐ.

Quá lạm dụng phương tiện điện tử mà ít giao tiếp, ít hoạt động xã hội, áp lực học hành quá căng thẳng, khi cảm xúc bị dồn nén nặng nề muốn giải phóng năng lượng, dễ nảy sinh bạo lực ở lứa tuổi HS.

 

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV ngày 16-11-2016, trả lời chất vấn của ĐBQH về BLHĐ, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ:

BLHĐ là vấn đề lớn, bức xúc và có xu hướng gia tăng. Trong số 22 triệu học sinh, sinh viên thì số có bạo lực, có những hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống là một bộ phận nhỏ nhưng làm cho vẩn đục và xu hướng về đạo đức, lối sống ngay từ nhỏ của một thế hệ học sinh, sinh viên có nguy cơ không kiểm soát được. Chúng tôi đã rà soát nguyên nhân có nhiều chứ không phải chỉ trong ngành giáo dục, bởi vì cả gia đình, xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường rất nhiều, nhưng trước hết với trách nhiệm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chúng tôi nhận trách nhiệm đầu tiên phải giáo dưỡng ngay từ còn nhỏ học đạo đức, học giáo dục công dân.

Một trong những lý do có một số học sinh, phụ huynh có ý phàn nàn về kỳ thi năm nay chúng tôi quyết định đưa môn giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp, bởi vì khi đánh giá kiến thức cơ bản đã gọi là phổ thông là phải kiến thức phổ thông toàn diện. Trước kia chúng tôi cũng đã cố gắng nhưng thực tế là môn giáo dục công dân chưa bao giờ được đưa vào thì chúng tôi phải đưa vào, bởi vì có thi thì thường học sinh mới học, chúng tôi mới chấn chỉnh các bước tiếp theo. Môn giáo dục công dân sẽ góp phần vào việc giảm bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. Tôi đã trực tiếp làm việc với các cô giáo, thầy giáo dạy môn giáo dục công dân từ tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông rất kỹ để tới đây chúng tôi xây dựng một chương trình thực tế, thiết thực với cuộc sống và phải đào tạo đội ngũ giáo viên này chuyên nghiệp.

Đạo đức, lối sống là vấn đề hết sức cấp bách trong giáo dục hiện nay. Tôi rất quan tâm đến vấn đề này trong giáo dục, không chỉ bậc học từ mầm non phổ thông mà trong đại học. Đạo đức, lối sống không chỉ giáo điều dạy trong nhà trường mà còn rất nhiều hoạt động bên ngoài theo hướng tấm gương.

ÁI MINH

 

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất