Hôi của sẽ bị khởi tố về tội cướp hay tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản”

Cập nhật: 5/9/2017 | 2:59:02 PM

Ở góc độ pháp lý, hành vi này của những người “hôi của” đã có dấu hiệu công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 137 BLHS.

Nhân cách bị “đánh cắp”?

Câu chuyện “hôi của” xảy ra vào 14g ngày 4-12 ở khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tài xế là anh Hồ Kim Hậu, 30 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định lái xe chở khoảng 1.500 thùng bia Tiger gặp tai nạn. Lập tức những người “hôi của” tranh nhau giành giật các thùng bia còn nguyên vẹn bị rớt xuống đường và thu gom các lon bia văng ra khỏi thùng mang về nhà coi như đấy là tài sản của mình, mặc tài xế gào khóc, van xin.


Sau sự việc xảy ra, không ít người tỏ rõ thái độ bức xúc và lên án mạnh mẽ những người tham gia “hôi của”, họ cho rằng hành vi này phải khép vào tội cướp chứ không còn là “hôi của”. Bởi lẽ, họ cướp một cách công khai, cướp tập thể. Trong khi đáng lẽ phải cứu giúp, hỗ trợ người bị nạn, thì đằng này họ lại xúm vào tranh giành tài sản của người khác trước sự bất lực của nạn nhân.

Trao đổi với PV báo PL&XH, chị Nguyễn Thúy Hiền, giáo viên một trường cấp 3 trên địa bàn Hà Nội bức xúc: “Sau khi đọc thông tin trên báo chí, tôi rất bức xúc trước hành vi của những người “hôi của”. Hành động này thể hiện sự vô cảm, thờ ơ với người bị nạn. Thể hiện sự xuống cấp nhân cách nghiêm trọng; những bậc làm cha làm mẹ có những hành động như vậy, làm sao là một tấm gương để các con noi theo”.

Cùng quan điểm với chị Hiền, anh Nguyễn Hữu Luyện, một sỹ quan quân đội bày tỏ: “Vụ việc trên cho thấy tình thương giữa con người với con người đang bị xuống cấp. Chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ, phê phán hành vi thiếu nhân cách của những người “hôi của”; đồng thời cần quan tâm và đề cao giá trị văn hóa ứng xử trong cộng đồng”.

Những người “hôi của” này có thể bị khởi tố về tội danh “công nhiên chiếm đoạt tài sản”.     Ảnh: Lê Hoàng

Cần xử mạnh tay đối với những người “hôi của”

Luật sư Lê Ngọc Hà - Trưởng Văn phòng luật sư Đa Phúc (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Hành vi của những người “hôi của” có thể bị khởi tố về tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 BLHS. Điều 137 quy định: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm”.

Cũng theo luật sư Hà, qua vụ việc này những người “hôi của” có thể bị phạt hành chính vì họ không có sự bàn bạc, tính toán hay tổ chức để thực hiện tội phạm, mà nó xảy ra bột phát. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan CSĐT nếu xác định được người nào “hôi của” có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự.

“Để tránh tình trạng tương tự có thể xảy ra, cơ quan CSĐT cần làm rõ những đối tượng liên quan, nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì cần đưa những kẻ này ra truy tố trước pháp luật để làm gương cho người khác”, luật sư Hà đề nghị.

Lê Hoàng

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất