Đầu năm cảnh giác với các nhà ngoại cảm rởm

Cập nhật: 5/9/2017 | 2:56:47 PM

(PL&XH) - Chưa bao giờ chuyện “nhà ngoại cảm” được quan tâm nhiều như hiện nay. Vẫn còn không ít người tin tưởng và trông cậy vào khả năng không ai có thể kiểm chứng để tìm hài cốt của thân nhân.

Việc làm của các “nhà ngoại cảm” là “tâm đức” hay “chiêu trò” lừa đảo để kiếm chác? Nhiều người tỏ rõ sự bức xúc trước việc các đối tượng tự xưng là “nhà ngoại cảm” lợi dụng lòng tin của một số người để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với phong trào phục dựng những giá trị di sản văn hóa dân tộc, các lễ hội tín ngưỡng ở nhiều địa phương trong cả nước cũng dần được khôi phục. Từ đó nảy sinh những hiện tượng biến tướng ở nhiều hình thái tín ngưỡng.

“Cậu Thủy” ( người đeo kính, mặc áo xám) đã bị bắt khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm gia đình bằng thủ đoạn tìm hài cốt liệt sĩ.    Ảnh: TL

Nhiều đàn cúng giải oan, cầu siêu… có giá cả dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng tiền thuê khoán thầy cúng… Có thể thấy, nguồn thu từ các hoạt động tâm linh tín ngưỡng là siêu lợi nhuận. Chính vì vậy ở nhiều nơi, quyền cai quản cơ sở tín ngưỡng đã được tổ chức đấu thầu hệt như một đầu mục thương mại. Tùy vào tiếng tăm linh thiêng của những ngôi đền mà người ta sẽ quyết định mức giá. Có những nơi sau khi thắng thầu, thủ nhang đồng đền phải nộp hàng tỷ đồng mỗi năm.

Liên quan tới việc tìm kiếm xác nạn nhân vụ TMV Cát Tường đã có không ít nhà ngoại cảm “xung phong” nhưng tới giờ kết quả vẫn là con số không.    Ảnh: TL

Theo GS Ngô Đức Thịnh - GĐ Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, thực tế tình trạng các “nhà ngoại cảm” nở rộ như thời gian qua là do nhu cầu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nhiều người sau nhiều năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chưa được nên thường có tâm lý mong mỏi. Do vậy, khi “nhà ngoại cảm” mang đến một sự hé lộ nào đó, người ta dễ dàng tin ngay, vì các “nhà ngoại cảm” này đánh đúng vào tâm lý đó.

Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, nhiều “nhà ngoại cảm” đã tự tìm đến khu vực sông Hồng để tìm thi thể nạn nhân, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trong cơ chế thị trường thời mở cửa, không hiếm các “quan thầy” tự tung tự tác, thường kiêm nhiệm cả chức năng thầy bói, thầy tướng, thầy địa lý, thầy đồng cốt, ngoại cảm, kể cả việc tự nhận “thần tiên giáng bút” để lấy tiền thiên hạ…

Với thông tin lan truyền đồn đại, những vị “thầy đa năng” đó được xem như đa tài đa dụng, từ xem đất cát mồ mả, xem hướng nhà cửa, bếp núc, kích cỡ giường tủ bàn ghế, cửa rả, xem giờ xuất hành làm ăn buôn bán, ma chay cưới xin đến cầu cúng giải hạn, trừ tà tróc quỷ, gọi hồn người chết, sai khiến âm binh… Đáng chú ý, cái nghề "đồng cốt" này thời xưa gọi là nghề "cô hồn", nay được thay bằng cái tên mới là "nhà ngoại cảm" gọi hồn, áp vong… Trên thực tế không hiếm trường hợp “bộ xương” mang về chỉ đơn giản là một tổ mối với nắm đất đen chứ chẳng có hài cốt nào cả. Thường thì người ta không đưa đi xét nghiệm ADN với lý do “không nỡ” làm thế với “nắm xương tàn” của người thân, rằng thời gian qua đi, xương thịt tan thành đất cát thì cũng dễ chấp nhận. Thế nên mới có chuyện “nhà ngoại cảm” rởm nọ tìm được cả số lượng khủng hài cốt, tới hàng trăm mộ mỗi năm. Mà phần nhiều họ chỉ hướng dẫn các thân chủ từ xa qua điện thoại! Cũng có trường hợp, gia đình không thể tìm được hài cốt người thân, cô đồng, thầy phù thủy bèn bày cho cách lập mộ khác. Họ thuê thợ đẽo các hình nhân đá, rồi làm lễ gọi hồn về nhập tượng và đem chôn trong phần mộ gia tộc với quan niệm, linh hồn mới quan trọng chứ không phải nắm xương vật chất.

Có lẽ, cách lập mộ này nhanh gọn hơn cả. Trong nhiều năm qua, việc gọi hồn áp vong thực sự gây dư luận trái chiều mạnh mẽ, đến mức có nhà nghiên cứu thôi miên đã từng lên báo mạng thách đố các “nhà ngoại cảm” nếu chỉ tìm đúng 3% hài cốt (xác định ADN) thì ông sẽ hiến cả gia sản. Bản thân một nhà ngoại cảm nổi tiếng cũng tuyên bố mặt trái nguy hiểm của việc áp vong.  Ở góc độ tâm lý học, người bị “vong nhập” thực chất bị rơi vào trạng thái tự kỷ ám thị nặng nề, điều này đã được khoa học chứng minh từ lâu. Vậy mà không ít người vẫn đua chen giao tiếp với “âm hồn”, và đã có trường hợp những người không hồi tỉnh được, gần như hóa điên phải nhập viện.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hành nghề mê tín dị đoan? Nó có ảnh hưởng ra sao trong đời sống, xã hội hiện nay?
Để đánh giá tổng quát về thực trạng hành nghề mê tín, dị đoan ở nước ta hiện nay theo tôi chỉ ngắn gọn trong 3 từ “báo-động-đỏ”.
Về lĩnh vực hành nghề mê tín, dị đoan, đa dạng, nhiều hình thức như lên đồng, gọi hồn, xem bói bài, xem bói tay, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú…
Về phạm vi hoạt động rộng khắp từ nông thôn tới thành thị, từ khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, tư tưởng văn hóa lạc hậu như miền núi, hải đảo đến các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước.
Về quy mô, tính chất, mức độ ngày càng nhiều, hết sức phức tạp, tinh vi, thậm chí còn đưa ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động.
Hoạt động hành nghề mê tín, dị đoan quả là không nằm ngoài quy luật “cung - cầu”. Khi có “cung” ắt có “cầu” và khi có “cầu” ắt có “cung”. Những người hành nghề mê tín dị đoan càng ngày càng có cơ hội phát triển khi có không ít người thuộc nhiều thành phần trong xã hội từ người nông dân quanh năm chỉ biết đến lao động nông nghiệp chân lấm tay bùn, đến giới trí thức học cao hiểu biết rộng và có cả lực lượng cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Những người có niềm tin mù quáng vào những điều duy tâm không có căn cứ khoa học như  tin vào ma quỷ, thần thánh, tin vào định mệnh, số phận con người đều do thần linh sắp đặt, chi phối.                       
Theo quan điểm của tôi, việc hành nghề mê tín dị đoan đã và đang gây ra tác hại đa chiều, không chỉ trực tiếp xâm hại đến an ninh trật tự an toàn xã hội, tư tưởng lành mạnh, nếp sống văn minh văn hóa cộng đồng chung, mà còn gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của công dân.
Vậy những quy định của pháp luật đối với vấn đề này ra sao? Có quy định nào của pháp luật thừa nhận những vấn đề hay những chức danh cụ thể liên quan đến việc hành nghề mang yếu tố tâm linh không?
Xác định rõ những hậu quả xấu và nghiêm trọng do các hành vi lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan gây ra đối với xã hội nói chung và từng gia đình, công dân Việt nam nói riêng. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta đã có các quy định cụ thể để góp phần xử lý, bài trừ, loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật này ra khỏi đời sống văn hóa, văn minh hiện nay.
Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi có tính chất mê tín, dị đoan, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính, chúng ta đã có quy định tại Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa. Người nào thực hiện một trong các hành vi như tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan… sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ. Về chế tài xử lý hình sự, chúng ta đã có quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan với mức hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù giam. Người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Hiện nay hệ thống VBQPPL của nước ta chưa có quy định nào thừa nhận những vấn đề hay những tên gọi đặc trưng nghề nghiệp cụ thể liên quan đến việc hành nghề mang yếu tố tâm linh như “nhà ngoại cảm”, “thầy bói”, “Cô đồng”, “cô hồn”, “thầy mo” … Những tên gọi này đều do những người hành nghề tự xưng hoặc do một cộng đồng dân cư, vùng, miền thừa nhận, truyền miệng theo phong tục, tập quán lạc hậu của chế độ cũ.
Trên thực tế có nhiều người tự xưng là “nhà ngoại cảm”, thậm chí họ  xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy những “nhà ngoại cảm” này có được pháp luật công nhận không và việc hành nghề của họ có hợp pháp không?
Các hoạt động hành nghề của “nhà ngoại cảm” hiện nay dù có được một bộ phận dân cư, vùng, miền thừa nhận tuy nhiên không được pháp luật công nhận. Thậm chí hoạt động ngoại cảm khi đã biến tướng thành một loại hình kinh doanh có thu lợi nhuận, trục lợi từ nhu cầu tâm linh lại là hoạt động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật, xâm hại đến trật tự quản lý của Nhà nước.
Theo tôi đã đến lúc Nhà nước cần xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề của nhóm các đối tượng này, ví dụ quản lý hoạt động của “nhà ngoại cảm”.
Một mặt, tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với các vi phạm trong hoạt động hành nghề ngoại cảm để giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân và tổ chức.
Mặt khác, sẽ định hướng được về tư tưởng, nhận thức cho công dân và tổ chức phân biệt rõ khoa học với hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Mới đây thông tin về vụ việc “nhà ngoại cảm” rởm Nguyễn Văn Thúy, hay còn gọi là “Cậu Thủy” bị bắt sau khi đã lừa đảo rất nhiều các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tìm hài cốt người thân, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận. Vậy với hành vi này Nguyễn Văn Thúy sẽ phải nhận tội danh gì và chế tài xử lý với tội danh này ra sao?
Với hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn cất liệt sỹ để lừa đảo trục lợi từ những thân nhân gia đình liệt sỹ có nhu cầu tìm liệt sỹ bị thất lạc trong chiến tranh như vậy, bị can Nguyễn Văn Thúy và các đồng phạm đủ điều kiện bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 và Điều 140 của Bộ luật Hình sự. Với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra đối với xã hội và các thân nhân gia đình liệt sỹ bị hại, bị can Nguyễn Văn Thúy có thể phải chịu áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với loại tội này là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Xin cảm ơn ông!

Lê Hoàng

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất