Công cụ pháp luật chưa đủ “mạnh” để giảm số người hút thuốc lá

Cập nhật: 5/9/2017 | 3:13:54 PM

Từ ngày 1-5-2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bắt đầu có hiệu lực, mức phạt cho hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng được nâng lên từ 200.000 - 500.000 đồng/lần.

Thế nhưng theo ghi nhận, tại các khu vực cấm, như: Cơ sở y tế, trường học, bến xe, công sở... vẫn còn nhiều người hút thuốc lá. Lực lượng chức năng vẫn “bỏ ngỏ” việc xử lý những hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.


Luật chưa đi vào cuộc sống?

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định nơi cấm hút thuốc hoàn toàn, đó là các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; phương tiện giao thông công cộng. Theo quy định, hành vi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100 - 300.000 đồng, người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Hơn nữa, công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút. Mỗi người cũng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút; phản ánh hoặc tố cáo với cơ quan thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá... Với những quy định cụ thể như vậy, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao được ý thức người bán và người hút thuốc lá, giảm tác hại của thuốc lá đối với mọi người. Tuy nhiên, tại TP Hà Nội không khó bắt gặp hình ảnh từ thanh niên đến người cao tuổi hút thuốc lá ở các điểm công cộng.

Hành vi hút thuốc lá ở những nơi cấm là vi phạm pháp luật, nhưng do thói quen nhiều người vẫn xem nhẹ và không lường hết hậu quả đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng là Sở Y tế, CA, chính quyền địa phương. Nhưng lực lượng này vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện chức năng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền mới chỉ dừng lại ở việc “treo” biển báo cấm hút thuốc và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế tỷ lệ người hút thuốc lá tại những nơi công cộng vẫn không có chiều hướng giảm.

Anh Nguyễn Hữu Tuyên, trú tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, chia sẻ: “Tôi cũng đã đọc Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, các cơ sở y tế… Tuy Luật đã cấm nhưng hầu hết người dân chưa có ý thức chấp hành; tình trạng người hút thuốc ở những nơi bị cấm vẫn diễn ra ngang nhiên. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng hình như vẫn “làm ngơ”cho người hút thuốc. Bởi lẽ, tại một số cơ sở khám chữa bệnh, hay các bến xe, bến tàu vẫn không hề có lực lượng chức năng, do vậy, nhiều người vẫn thỏa sức hút thuốc nơi công cộng”.

Luật sư Lê Ngọc Hà - Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, dù các cơ quan chức năng chưa có báo cáo đánh giá chính thức về tác động và hiệu quả sau gần 1 năm thực hiện, tuy nhiên Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã phát huy được vai trò tích cực nhất định đến với đời sống xã hội. Luật đã tạo được sự tác động, chuyển biến khá rõ rệt tới nhiều đối tượng, từ người sử dụng thuốc lá tới cá nhân, tổ chức kinh doanh thuốc lá, và các ban ngành, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn chưa nhận thức được rõ việc hút thuốc lá tại nơi công cộng là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.

Cũng theo luật sư Lê Ngọc Hà, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế có hướng dẫn thi hành quy định về cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Nghị định này giao trách nhiệm cho CQCA thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, còn Sở Y tế, chính quyền địa phương các cấp vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, chưa được giao trách nhiệm cụ thể. Vì vậy hiện nay trách nhiệm xử phạt VPHC đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng lại đổ dồn lên vai của lực lượng CA.

Các lực lượng bảo vệ ở các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá theo quy định đúng là không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính, họ chỉ có quyền và nghĩa vụ giống như các công dân bình thường khác trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đó là nghĩa vụ phát hiện vi phạm, nhắc nhở chấm dứt hành vi vi phạm, thực hiện quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá theo quy định.

Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu được phát hiện thời gian qua. Ảnh:TL

Ý kiến trái chiều về đề xuất tăng thuế

Nhằm giảm số người hút thuốc lá, Bộ Tài chính vừa có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, từ 65% lên 75%. Theo tính toán thì việc tăng thuế sẽ giúp tăng ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm giảm việc hút thuốc lá và các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, giá mỗi bao thuốc lá có thể tăng 8%. Bộ Tài chính ước tính, số tiền thu từ việc tăng thuế sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 2.900 tỷ đồng vào năm 2016 và đóng góp của ngành thuốc lá sẽ tăng gấp đôi hiện nay vào năm 2018.

Tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra ngang nhiên. Ảnh: Lê Hoàng

Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ Tài chính, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm mục đích giảm số người hút thuốc lá. Theo ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính, giá thuốc lá hiện nay vẫn còn thấp, do vậy còn nhiều người hút thuốc lá và số người hút thuốc chưa giảm nhiều. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá là một trong những giải pháp góp phần giảm tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ.

TCty thuốc lá Việt Nam thì lo ngại việc tăng thuế sẽ làm cho giá thuốc lá tại Việt Nam tăng cao, tạo thuận lợi cho buôn lậu thuốc lá phát triển mạnh. TCty này đề xuất, mỗi lần tăng thuế khoảng 5% chứ không phải 10%. Ông Vũ Văn Cường- Chủ tịch HĐTV TCty thuốc lá Việt Nam cho biết, TCty hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Chính phủ về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Tuy nhiên tăng như thế nào và bao giờ tăng, tăng bao nhiêu đề nghị các Bộ, ngành liên quan phải cân nhắc để chọn thời điểm thích hợp và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam mới có hiệu quả.

Ở góc độ sức khỏe, theo Tổ chức y tế thế giới WHO, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn quá thấp, để việc tăng thuế đạt được mục đích chính là tăng giá thuốc, giảm người sử dụng, mỗi năm tăng ít nhất là 10% và phải tăng gấp đôi vào năm 2020.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Tuấn Kiên, nếu tăng hàng năm thì mức tăng từ 65% lên 75%, còn tăng cách xa đến năm 2015 thì từ 65% lên 85%; đến 2018 tăng lên 110%. Nếu đạt được lộ trình này sẽ giảm được tỷ lệ người hút thuốc theo mục tiêu và chiến lược quốc gia đặt ra. Hơn nữa, theo ước tính và đúng với lộ trình này thì sẽ giảm được 500.000 người chết vì hút thuốc lá trong tương lai.

 

Lê Hoàng

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất