Chống tham nhũng nhìn từ những vụ đại án: Án tử cần nhưng chưa đủ…!

Cập nhật: 5/9/2017 | 2:46:40 PM

(PL&XH) - Bản án mà Tòa án đã tuyên phạt Dương Chí Dũng và đồng phạm cho thấy sự chuyển biến tích cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án tham nhũng.

Sau khi HĐXX sơ thẩm tuyên án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định quản lý của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng, bản án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với những kẻ dám lợi dụng chức vụ để tham nhũng. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng bày tỏ, để công cuộc phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, cần phải truy trách nhiệm đến các Bộ, ngành có liên quan.

Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình đã phần nào lấy lại được lòng tin của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng.     Ảnh: TL

Có tạo tiền lệ án?

Bản án mà Tòa án đã tuyên phạt Dương Chí Dũng và đồng phạm cho thấy sự chuyển biến tích cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án tham nhũng. Điều đó cho thấy sự quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Bởi lẽ, tham nhũng  được xem là “quốc nạn”, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tham nhũng thời kỳ nào cũng có, nó như phần nổi của tảng băng chìm. Trước đây, tham nhũng diễn ra trên lĩnh vực kinh tế nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo đức nghề nghiệp như y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo… Thật đáng buồn là một bộ phận cán bộ giữ nhiều vị trí quan trọng cũng bị cuốn theo vòng xoáy của đồng tiền, tham nhũng nghiêm trọng từ cấp trên xuống cấp dưới. Rõ ràng, tham nhũng đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội khi mà bối cảnh kinh tế nước ta đang hết sức khó khăn.

Ngoài vụ Vinalines, các bị cáo “đầu tròm” bị tuyên tử hình, mới đây nhất, vụ “đại án” tham nhũng tại Cty cho thuê tài chính II (ALCII) cũng vừa được HĐXX tuyên 2 án tử hình đối với Vũ Quốc Hảo- nguyên TGĐ ALCII và Đặng Văn Hai- nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh.

Trước những bản án mà tòa án đã tuyên đối với kẻ “đục khoét” ngân khố Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng hành vi tham nhũng đã được trừng trị bằng những bản án đủ sức răn đe, sẽ tạo thành “tiền lệ án” cho những án tham nhũng tới đây.

Trao đổi với PV báo PL&XH về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Hà-Trưởng Văn phòng luật sư Đa Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu án tham nhũng mà bị tuyên tử hình thì tốt quá. Bởi lẽ, chúng ta có thể nhìn từ phía Trung Quốc, đối với những quan chức cỡ bự đều có thể bị xử tử nếu tham nhũng vượt quá khung quy định. Nhưng ở Việt Nam, mới chỉ dừng lại ở cấp Bộ, và thực sự từ trước tới nay, chưa có một Bộ trưởng nào bị khép vào tội này, chứ chưa nói đến cấp cao hơn.

Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng- Trưởng Văn phòng luật sư Từ Liêm chia sẻ, tham nhũng cỡ như vậy thì tốt nhất là tử hình, không nên nhân nhượng cho những kẻ tàn phá đất nước, để tạo ra tiền lệ tốt, răn đe những đối tượng có ý định tham nhũng. Tuy nhiên, các cơ quan hữu quan cũng phải có các biện pháp thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Bên cạnh đó cũng phải làm rõ những cán bộ cấp trên liên đới trách nhiệm và liên đới tham nhũng.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ tham những ALC II    Ảnh: TL

Chống tham nhũng bằng nhiều giải pháp toàn diện

Phân tích thêm về công tác phòng chống tham nhũng sau vụ Dương Chí Dũng, luật sư Hà cho hay, Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình, điều này cho thấy tác dụng của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, lấy lại được lòng tin của người dân và pháp luật. Bởi từ trước tới giờ tình trạng án treo dành cho các vụ án về tham nhũng rất phổ biến.

Cũng theo luật sư Hà, việc tử hình các bị cáo phạm tội tham nhũng chỉ là một giải pháp vì đây mới chỉ là một vụ án đã phát hiện được; còn nhiều những vụ khác không phát hiện được. Bởi lẽ, hàng năm đơn thư khiếu nại, tố cáo rất nhiều do công dân đứng ra tố cáo và yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét; còn cơ quan có trách nhiệm chủ động phát hiện những hành vi tham nhũng gần như chưa có, hoặc nếu có thì chiếm tỷ lệ rất ít.

Về biện pháp tổng thể để giải quyết có hiệu quả tình trạng tham nhũng, luật sư Hà cho rằng, chúng ta cần phải siết chặt, giám sát mà bắt đầu từ Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương xuống các bộ phận cấp dưới, phải thường xuyên kiểm tra những thông tin từ người dân, đồng thời trong những cuộc thanh, kiểm tra định kỳ hay kế hoạch nếu phát hiện tham nhũng của ngành nào, cấp nào, lực lượng thanh tra hay kiểm toán cần phải đưa ra ánh sáng. Bên cạnh đó, cần phải truy trách nhiệm đến những Bộ, ngành để cho tham nhũng xảy ra trong đơn vị mình quản lý.

Còn theo luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Đoàn LS Hà Nội), để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, đầu tiên phải xem xét lại toàn bộ các phương pháp về phòng, chống, phải huy động toàn dân cùng thực hiện. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân về các dấu hiệu, hiện tượng tham nhũng. Ngoài ra cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực về quản lý kinh tế; đầu tiên phải hoàn chỉnh về hệ thống pháp luật, sau đó chuẩn hóa các đội ngũ công chức, quy định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn; nhanh chóng hòa nhập khu vực và quốc tế về các điều luật, công ước đã ký. “Việc Dương Chí Dũng tham nhũng là do sự sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với các Bộ, ngành liên quan”, Luật sư Hoàng chia sẻ.

Lê Hoàng

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất