Cả nhà “dính án” do để văng chai nước vào người Phó Viện trưởng!?

Cập nhật: 5/9/2017 | 3:06:16 PM

(PLO) - Tìm đến Báo Pháp luật Việt Nam trong tâm trạng lo lắng và bức xúc, bà Bùi Thị Hậu (thôn Thượng Hiền, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) không giấu nổi những giọt nước mắt đau khổ của người mẹ khi có đứa con bị bệnh tâm thần và 1 con gái, 1 con rể đang rơi vào vòng lao lý vì “thất lễ” với một Phó Viện trưởng VKSND huyện Thường Tín.

Xử người… tâm thần?

Đứa con trai dở ngây dở dại của bà Hậu là Đặng Văn Hoàng (sinh năm 1980). Tháng 9/2014, Hoàng bị VKSND huyện Thường Tín truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Cần nói thêm rằng, Hoàng có tiền sử bệnh tâm thần từ nhiều năm nay. Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 54 ngày 18/9/2013, Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương kết luận: “Trước, trong, khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, bị can (Hoàng-PV) hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Dù vậy, phiên tòa sơ thẩm ngày 25/9/2014 xét xử Đặng Văn Hoàng vẫn diễn ra bình thường. Trong khi Hoàng ngồi bệt xuống nền gạch của phòng xử án với tình trạng vô thức từ đầu tới cuối phiên xử nhưng Hội đồng xét xử của TAND huyện Thường Tín vẫn tuyên Hoàng phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” với hình phạt 24 tháng tù giam.

Ngay lập tức, phán quyết này gây bức xúc đối với những người tham dự phiên tòa, đặc biệt là người nhà Đặng Văn Hoàng. Cho rằng Hoàng bị truy tố và xét xử vô căn cứ nên sau khi kết thúc phiên tòa, người nhà Đặng Văn Hoàng đã có phản ứng với đại diện VKSND tham gia phiên tòa là ông Dương Anh Tuấn - Phó Viện trưởng VKSND huyện Thường Tín. Vì sợ Hoàng bị kích động mạnh, bà Hậu đã ôm chặt lấy con trai (vẫn đang ngồi bệt dưới nền nhà). Nhưng không ngờ Hoàng vùng dậy khiến cả hai mẹ con bị ngã ngửa vào vành móng ngựa, chai nước đang cầm trong tay bà Hậu vì thế văng về phía ông Tuấn. Và thật bất ngờ, hành vi này của Hoàng bị quy thành hành vi gây rối. 

Vì thế, ngay trong ngày 25/9/2014, TAND huyện Thường Tín có Công văn số 119 gửi Công an huyện Thường Tín với nội dung: “…Bị cáo Đặng Văn Hoàng và người nhà bị cáo đã gây rối tại hội trường xét xử. Bị cáo Hoàng đã ném chai nước về phía đồng chí Dương Anh Tuấn. Bà Bùi Thị Hậu, mẹ bị cáo đã ôm bị cáo nhưng do bị cáo có thái độ hung hăng nhảy về phía đồng chí Tuấn nên đổ vành móng ngựa vỡ làm ba. Một số đối tượng người nhà bị cáo đã cầm biển chức danh Chủ tọa phiên tòa, biển chức danh Luật sư ném về phía đồng chí Tuấn và đuổi theo đồng chí Tuấn chửi bới…”. 

Từ căn cứ này, ngày 8/12/2014 Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Đặng Văn Hoàng, Đặng Thị Huyền (em gái Hoàng) và Từ Như Chiến (em rể Hoàng) cùng hành vi gây rối trật tự công cộng. Thêm một lần nữa, đứa con trai “lúc dại, lúc khôn” của bà Hậu lại rơi vào vòng tố tụng, còn kéo theo cả em gái và em rể bị vạ lây. 

Hình sự hóa vi phạm hành chính

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Hậu cho rằng TAND huyện Thường Tín đã cố tình thổi phồng sự việc. Hoàn toàn không có việc Hoàng ném chai nước về phía ông Tuấn. Ngoài ra, sau khi bà ngã đập đầu vào vành móng ngựa nên ngất xỉu tại chỗ, con rể bà vội chạy ra ngoài gọi taxi để đưa mẹ đi cấp cứu chứ không phải  đuổi theo ông Tuấn để chửi bới. 

Hơn nữa, sự việc diễn ra sau khi phiên tòa đã kết thúc, nếu các con bà có vi phạm pháp luật vì đã “thất lễ” với vị đại diện VKSND huyện thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Việc làm của Cơ quan CSĐT là “hình sự hóa” vi phạm hành chính. “Tôi cầu mong và hy vọng các cơ quan chức năng sẽ sớm nhận ra sự thiếu khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc của các cơ quan tố tụng huyện Thường Tín; minh oan cho các con của tôi khỏi vòng lao lý”- bà Hậu xót xa.

Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, không phải bất cứ hành vi gây rối trật tự công cộng nào cũng bị khởi tố hình sự. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi gây rối đã thực hiện cũng như hậu quả thiệt hại đã gây ra cho xã hội, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự thì: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Hướng dẫn về điều kiện phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này, Nghị quyết số 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quy định: “Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự…: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; Chết người; người khác bị thương tích;…”.

“Đối chiếu với các quy định đã viện dẫn thì hành vi đã thực hiện của Hoàng, Huyền, Chiến khi phiên tòa xét xử đã kết thúc. Kể cả trường hợp đúng theo mô tả trong Công văn của TAND huyện Thường Tín cũng chưa thỏa mãn các điều kiện “để khởi tố theo Điều 245 Bộ luật Hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng”- Luật sư Hà phân tích. 

Chưa đủ điều kiện khởi tố vụ án hình sự

“Nếu các đương sự gây rối trật tự tại phiên tòa đang xét xử, có hành vi cản trở việc xét xử, gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến HĐXX không xét xử được thì mới đủ căn cứ khởi tố hình sự. Căn cứ Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì các hành vi đã thực hiện của Hoàng, Huyền và Chiến chỉ bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền ở các mức độ khác nhau.” 

- Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy nhận định.

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất